HÔM NAY 12-11 KHAI MẠC HỘI NGHỊ CẤP CAO ASEAN LẦN THỨ 37: TÂM ĐIỂM RCEP

Thứ năm - 12/11/2020 03:38 1.071 0
Sau giai đoạn khó khăn vì đại dịch và căng thẳng toàn cầu, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vẫn kỳ vọng kết thúc năm 2020 với kết quả tích cực, hứa hẹn một tương lai tươi sáng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - chủ tịch ASEAN 2020 - xem ấn phẩm phục vụ hội nghị - Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - chủ tịch ASEAN 2020 - xem ấn phẩm phục vụ hội nghị - Ảnh: TTXVN
Hôm nay 12-11, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị liên quan sẽ chính thức diễn ra. Năm nay sự kiện được tổ chức trực tuyến từ ngày 12 tới 15-11, nhằm hạn chế ảnh hưởng của COVID-19.
Hội nghị Bộ trưởng kinh tế RCEP trù bị đã diễn ra ngày 11-11, trong lúc các nước kỳ vọng sẽ sớm ký kết RCEP để làm động lực cho sự hồi phục và phát triển kinh tế của các nước hậu COVID-19. RCEP - thỏa thuận thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới - là một trong các kết quả được mong chờ nhất tại ASEAN 37 lần này.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 11-11, ông James Borton - nghiên cứu viên khách mời tại Trung tâm Khoa học ngoại giao (ĐH Tufts, Mỹ) - cho rằng sự tham gia của Việt Nam và ASEAN nói chung trong RCEP sẽ mang lại lợi ích lớn, bởi các đối tác thương mại khác trong hiệp định này đều là những nền kinh tế quy mô lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand.
"Cùng nhau, 15 quốc gia RCEP chiếm gần 1/3 dân số thế giới và tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu. Điều này cho thấy RCEP có quy mô và động lực tiềm năng lớn hơn các khối thương mại khác như Liên minh châu Âu (EU) hay thỏa thuận NAFTA giữa Mỹ, Mexico và Canada... 
Không nước nào thoát khỏi sự gián đoạn lan rộng từ COVID-19, và điều này đặc biệt đúng đối với các nước ít phát triển hơn bao gồm những nền kinh tế đang nổi lên như Việt Nam, Malaysia, Philippines, Indonesia hay Thái Lan. Các thách thức về y tế và kinh tế vẫn còn khi COVID-19 lan rộng", ông Borton nói.
Trong khi đó, bà Alicia Garcia Herrero, kinh tế trưởng phụ trách châu Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng đầu tư Natixis (trụ sở ở Paris, Pháp), có cái nhìn thận trọng hơn về RCEP nhưng cũng cho rằng đây là liều thuốc kịp thời cho vết thương kinh tế hậu đại dịch. 
"RCEP xuất hiện đúng thời điểm để tiếp thêm sinh lực cho sự khôi phục của chủ nghĩa đa phương, khi xu hướng phi toàn cầu hóa đang trở nên dữ dội hơn và thêm nhiều chính phủ đang đề cao chủ nghĩa bảo hộ nhằm đạt được lợi ích đơn phương" - bà Herrero nói với Tuổi Trẻ.
Theo nhà kinh tế trưởng của Natixis, Việt Nam đã gây ấn tượng với thế giới không chỉ trong việc ngăn chặn thành công đại dịch mà còn giúp hạn chế sự gián đoạn của chuỗi cung ứng nhờ năng lực sản xuất của mình. 
 
"Điều này đã thúc đẩy thương hiệu "made in Vietnam" và khiến Việt Nam trở thành hình mẫu cho sự phục hồi xuất khẩu, bắt đầu từ xuất khẩu khẩu trang" - bà Herrero nhận xét.
Sau hội nghị lần thứ 22 của Hội đồng Cộng đồng chính trị - an ninh ASEAN (APSCC) ngày 10-11, bộ trưởng ngoại giao các nước nhất trí thông qua và trình lên Hội nghị cấp cao ASEAN 37 tài liệu 
Điều khoản tham chiếu của Quỹ ASEAN về ứng phó dịch COVID-19 và Kho dự phòng vật tư y tế khu vực ASEAN, Khung chiến lược ASEAN về ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và Khung phục hồi tổng thể ASEAN.
Qua một năm đầy thách thức, việc có thể thông qua sáng kiến hợp tác nêu trên cũng như hành lang đi lại ASEAN hay ký kết RCEP được kỳ vọng sẽ tô hồng trở lại một bức tranh tưởng chừng ảm đạm.
32.000 tỉ USD
Khi được ký kết và đi vào thực thi, hiệp định RCEP sẽ hình thành khu vực kinh tế lớn nhất từ trước đến nay với GDP chiếm tới 32% tổng GDP toàn cầu, tương đương khoảng 32.000 tỉ USD.
Giai đoạn "lửa thử vàng"
Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN (AMM) ngày 10-11, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng năm qua là giai đoạn "lửa thử vàng, gian nan thử sức" của ASEAN. Ông khẳng định ASEAN cần đoàn kết và gắn bó để hoàn tất ưu tiên, sáng kiến của năm ASEAN 2020, hiện thực hóa tầm nhìn cộng đồng ASEAN 2025, đồng thời ứng phó hiệu quả với các thách thức đang nổi lên, đặc biệt là đại dịch COVID-19.
Kỳ vọng ASEAN đồng thuận về Biển Đông
 
Phát biểu ngày 10-11, Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Hussein đã kêu gọi sự đồng thuận trong ASEAN về vấn đề Biển Đông trong bối cảnh đối đầu căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.
"Với việc Mỹ ở Biển Đông, chúng ta sẽ phải xem chính sách của họ như thế nào dưới chính quyền mới và quan điểm với siêu cường khác ở phía bắc", tờ Malay Mail dẫn lời ngoại trưởng Malaysia nói. Theo ông Hishammuddin, ASEAN cần xác định quan điểm của chúng ta dù là trong vấn đề công nghiệp, kinh tế, an ninh hoặc địa chính trị như Biển Đông trước chính quyền mới ở Mỹ.
Trong khi đó, tờ Jakarta Post dẫn lời Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi bày tỏ hi vọng Mỹ sẽ là một "thế lực tích cực" đối với sự ổn định của ASEAN, nhấn mạnh khu vực cần hợp tác với Mỹ trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và đôi bên cùng có lợi.
Nói về diễn biến của đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) trên Bangkok Post, bà Usana Berananda - tổng giám đốc phụ trách các vấn đề ASEAN của Bộ Ngoại giao Thái Lan - cho biết quá trình đàm phán bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 trong năm nay nhưng đã bắt đầu trở lại. "Tài liệu này nhạy cảm hơn các tài liệu đã được đưa hầu hết lên mạng", bà Berananda nói.
Ngoài ra, Ngoại trưởng Malaysia Hishamuddin nhắc đến những vấn đề khác mà ASEAN đang đối mặt cũng cần sự hợp tác chung, trong đó cấp thiết nhất là đại dịch COVID-19. Ông Hishamuddin đề xuất ASEAN tìm hướng giải quyết mới bằng cách thúc đẩy các cơ chế đa phương và khu vực, chẳng hạn thành lập một Trung tâm các tình huống khẩn cấp y tế công hoặc dịch bệnh mới nổi trong khu vực.
TRẦN PHƯƠNG

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ online.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Lượt truy cập
  • Đang truy cập2
  • Hôm nay1,138
  • Tổng lượt truy cập2,165,054
LIÊN KẾT WEBSITE
hotline
Tuyên truyền NTM
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây