LẦN ĐẦU TIÊN, VIỆT NAM GHÉP RUỘT THÀNH CÔNG TỪ NGƯỜI CHO CÒN SỐNG

Thứ bảy - 31/10/2020 11:36 383 0
Bệnh viện Quân Y 103 vừa thực hiện thành công hai ca ghép ruột từ người cho sống trong hai ngày liên tiếp, 27 và 28-10. Bệnh nhân L.V.T. (26 tuổi) được ghép ruột từ mẹ đẻ. Bệnh nhân N.V.D. (42 tuổi) được anh trai hiến ruột.
Các bác sĩ tiến hành ca ghép ruột cho bệnh nhân
Các bác sĩ tiến hành ca ghép ruột cho bệnh nhân

Hai bệnh nhân được ghép ruột tại Bệnh viện Quân y 103 - Học viện Quân y đều là những trường hợp ruột đã mất hoàn toàn chức năng năng tiêu hóa và phải nuôi sống bằng cách truyền dinh dưỡng qua tĩnh mạch. Nếu không được ghép ruột, các bệnh nhân sẽ đối mặt với nguy cơ cao bị biến chứng liên quan đến nuôi dưỡng tĩnh mạch và có thể tử vong bất cứ lúc nào.

Bệnh nhân D. vào viện với chẩn đoán suy ruột không hồi phục do hội chứng ruột ngắn type 1, rò đại tràng. Người đàn ông có tiền sử phẫu thuật ổ bụng năm lần vì viêm phúc mạc do thủng đại tràng, tắc ruột tại nhiều bệnh viện. Bệnh nhân đã phẫu thuật cắt khối lượng lớn ruột (chiều dài ruột non còn lại khoảng 80 cm) vào tháng 5-2007.

Bệnh nhân T. được chuyển về điều trị tại Bệnh viện Quân Y 103 cuối tháng 9 với chẩn đoán suy mòn suy kiệt do hội chứng ruột cực ngắn type 3. Trước đó, anh bị viêm phúc mạc do hoại tử gần như toàn bộ ruột non nên được Bệnh viện huyện Than Uyên (Lai Châu) phẫu thuật cấp cứu cắt bộ phận này. Ruột anh T. chỉ còn lại gần 20 cm.

Tại Bệnh viện Quân Y 103, hai bệnh nhân được điều trị tích cực, nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch. Chỉ định ghép ruột là lựa chọn duy nhất để cứu sống hai bệnh nhân vì bộ phận này được xác định mất chức năng hoàn toàn, không thể hồi phục.

Trung tướng, GS, TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân Y cho biết, gần 100 bác sĩ và nhân viên y tế tại Bệnh viện Quân y 103 được huy động tham gia vào ca phẫu thuật đặc biệt này. Bên cạnh đó, ca phẫu thuật còn có sự phối hợp của chuyên gia ghép tạng người Nhật Bản – GS Motoshi Wada, Bệnh viện Đại học Tohoku. 

GS Quyết cho biết, ruột có chức năng hấp thu dinh dưỡng để nuôi cơ thể. Vì nhiều lý do như bệnh lý bẩm sinh hoặc tai nạn, biến chứng, bộ phận này không thể đảm đương vai trò này. Lúc đó, người bệnh chỉ có thể sống nhờ nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch kèm theo biến chứng viêm, nhiễm trùng máu. 30-50% bệnh nhân ăn đường tĩnh mạch sẽ tổn thương gan do nhiễm trùng. Điều đó gây phức tạp khi người bệnh phải ghép đồng thời gan và ruột. 

Ca phẫu thuật ghép ruột đặt ra cho các y, bác sĩ nhiều thử thách lớn. Trong đó, khó khăn nhất là việc lựa chọn cách ghép, đặc biệt là trong việc nối động mạch, tĩnh mạch từ ruột ghép vào cơ thể bệnh nhân. Các bác sĩ phải làm sao để mạch đó không bị xoắn lại, nhằm bảo đảm khả năng nuôi dưỡng ruột ghép, đây là điều rất khó.  

Ghép ruột đem lại cho bệnh nhân cơ hội sống. Tuy nhiên, bệnh nhân được thay thế lượng ruột tương đối lớn, khoảng trên 1m. Điều đó đồng nghĩa khối lượng kháng nguyên đưa vào người nhận rất lớn. Đặc biệt, ruột có nhiều hệ bạch huyết. Đường tiêu hóa có đặc trưng là mở, thường xuyên ăn uống, tạo nên hệ thống kháng nguyên rất lớn.

Việt Nam lần đầu tiên ghép ruột từ người cho sống -0
 Bệnh nhân đang bình phục sức khỏe sau ca phẫu thuật.

Cũng theo Giám đốc Học viện Quân y, ghép ruột có một vấn đề khó hơn so với các dạng ghép tạng khác là về dùng thuốc chống thải ghép và chống nhiễm trùng.

Hai ca ghép ruột diễn ra 12-14 giờ. Hiện tại, hai người cho ruột ổn định sức khỏe. Hai bệnh nhân ghép ruột đang được theo dõi, điều trị tích cực. Các chỉ số sinh tồn đều ổn định.

Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, đây là lần đầu tiên Việt Nam ghép ruột thành công từ người cho sống. Điều này đánh dấu bước ngoặt lớn trong ngành ghép tạng nước ta.

Về phía người hiến, chuyên gia cho biết ruột người thông thường dài 5-9 m, khi cho đi một phần, số còn lại vẫn đủ dùng. Sau một tháng, người cho sẽ quay lại sinh hoạt bình thường và không cần dùng thuốc.

Theo GS Đỗ Quyết, tháng 12-2019, Học viện Quân Y được Bộ Khoa học và Công nghệ giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện đề tài: “Nghiên cứu triển khai ghép ruột từ người cho sống” và ông là chủ nhiệm đề tài.

Học viện Quân Y tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư, thuốc, hoá chất…, và thường xuyên trao đổi kinh nghiệm ghép ruột trên người với các chuyên gia của Bệnh viện Đại học Tohoku (Nhật Bản).

Với hai ca ghép ngày 27 - 28-10, Bệnh viện Quân Y 103 trở thành đơn vị đầu tiên tại Việt Nam ghép ruột thành công, tương tự năm tạng trước đó (thận, tim, gan, tụy, phổi).

"Hiện thế giới chỉ có 61 trung tâm ghép ruột ở 19 nước với khoảng 1.000 ca được triển khai. Việt Nam trở thành quốc gia thứ 20 ghép ruột thành công. Đây là một thành tựu trong ghép tạng cũng như đem lại tương lai tươi sáng cho bệnh nhân”, GS Quyết nói.

GS, TS Phạm Gia Khánh, nguyên Giám đốc Học viện Quân Y cho biết thêm, tương tự thế giới, ruột là tạng cuối cùng được ghép thành công. Ca ghép ruột đầu tiên trên thế giới vào năm 1988. Tại Việt Nam, ruột cũng là tạng thành công cuối cùng sau 28 năm kể từ ca ghép thận đầu tiên. Như vậy, Việt Nam đã theo kịp ghép tạng thế giới.

Theo GS Wada, ở Nhật Bản, tỷ lệ bệnh nhân ghép ruột sống thêm năm năm là khoảng 80% và sống từ 10 năm trở lên là 60%.

Tác giả bài viết: THIÊN LAM

Nguồn tin: Báo Nhân dân điện tử.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Lượt truy cập
  • Đang truy cập16
  • Hôm nay1,138
  • Tổng lượt truy cập2,164,968
LIÊN KẾT WEBSITE
hotline
Tuyên truyền NTM
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây