Từ quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhà giáo đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên ở nước ta hiện nay

Thứ tư - 02/12/2020 20:20 631 0
(TG)- Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành sự quan tâm đặc biệt đến đội ngũ nhà giáo - nhân vật trung tâm của hệ thống giáo dục, lực lượng chủ đạo của sự nghiệp “Trồng người”, yếu tố quyết định chất lượng của hoạt động giáo dục.
Bác Hồ thăm và nói chuyện với thầy và trò Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ngày 21/10/1964. Ảnh tư liệu
Bác Hồ thăm và nói chuyện với thầy và trò Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ngày 21/10/1964. Ảnh tư liệu

TỪ QUAN ĐIỂM CỦA HỒ CHÍ MINH VỀ ĐỘI NGŨ NHÀ GIÁO

Dân tộc Việt Nam vốn hiếu học và có truyền thống “Tôn sư trọng đạo”. Đặc tính ấy trong con người Hồ Chí Minh càng trở nên đậm nét bởi Người không chỉ có người cha làm nghề dạy học mà bản thân Người cũng từng trực tiếp đảm nhiệm công việc đó. Với tầm nhìn của nhà tư tưởng và sự thấu hiểu của nhà hoạt động thực tiễn, Hồ Chí Minh đã đề ra hệ thống quan điểm sâu sắc về đội ngũ nhà giáo, nổi bật nhất là những nội dung sau.

Thứ nhất, Hồ Chí Minh khẳng định tầm quan trọng và vị thế vinh quang của người Thầy.

Theo Hồ Chí Minh, con người với năng lực và phẩm chất xác định, chính là nhân tố quyết định sự thành - bại của cách mạng và tiền đồ dân tộc. Tuy nhiên, các tố chất cần thiết để “làm người”, để cống hiến cho xã hội không phải bỗng dưng mà có; nó phải là sản phẩm của giáo dục. Nói về sức mạnh của giáo dục đối với việc hình thành nhân cách con người, Hồ Chí Minh từng ví: “Óc những người trẻ tuổi trong sạch như một tấm lụa trắng. Nhuộm xanh thì nó sẽ xanh. Nhuộm đỏ thì nó sẽ đỏ”[1]. Học đường là nơi con người được giáo dục cả về tri thức lẫn đạo lý nên sự nghiệp “trồng người” quan trọng bao nhiêu thì vai trò của nhà trường, của “người trồng” quan trọng bấy nhiêu. Bất kỳ ai, từ thứ dân đến bậc nguyên thủ quốc gia, đều phải nhờ công ơn dìu dắt của những người thầy mới có thể trưởng thành. Hồ Chí Minh khẳng định: “Nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế văn hóa”[2]. Khi “dốt nát cũng là kẻ địch” thì giáo viên chính là những người trực tiếp tuyên chiến với kẻ thù nguy hiểm đó. Trong chế độ mới, “giáo dục là sự nghiệp của quần chúng”; để thực hiện chủ trương “ai cũng được học hành”, đội ngũ giáo viên càng trở nên đông đảo, cần thiết.

Cổ nhân đúc kết: “Nhân bất học bất tri lý”. Đối tượng chủ yếu của giáo dục là trẻ em và thanh niên nên giáo viên chính là người đào tạo ra lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng và gánh vác tương lai của nước nhà. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Các cô, các chú có nhiệm vụ rất quan trọng: Bồi dưỡng thế hệ công dân, cán bộ sau này. Làm tốt thì thế hệ sau này có ảnh hưởng tốt. Làm không tốt sẽ có ảnh hưởng không tốt đến thế hệ sau”[3].

Là người “khai tâm, khai trí” cho học trò, sự ảnh hưởng sâu đậm của người thầy đến nhân cách học trò là điều không thể phủ nhận. Vì thế, Hồ Chí Minh kết luận: “Học trò tốt hay xấu là do thầy giáo, cô giáo tốt hay xấu”[4].

Thấu hiểu những cống hiến thầm lặng cũng như sứ mệnh nặng nề nhưng vẻ vang của nghề “trồng người”, Hồ Chí Minh luôn tôn vinh những người thầy giáo tốt là những người “anh hùng vô danh”. Sự tôn vinh và động viên của Hồ Chí Minh chính là động lực để đông đảo giáo viên hết lòng cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”.

Thứ hai, Hồ Chí Minh chỉ dẫn nội dung căn cốt cần trang bị cho người học.

Nền giáo dục dân chủ do Hồ Chí Minh tạo dựng có mục tiêu “kép”: Vừa đào tạo ra những công dân hữu ích cho nước nhà, vừa phát triển những năng lực sẵn có của người học. Vì thế, người thầy phải giúp người học phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ nhưng đức phải là gốc. “Kinh sư dĩ đắc, nhân sư nan tầm”, dạy kiến thức đã khó nhưng dạy làm người còn khó hơn. Cho nên, dù dạy môn học nào, đảm nhiệm công việc gì, người giáo viên trong nhà trường đều có nghĩa vụ kiên trì uốn nắn và giáo dục đạo đức cho học trò. Cụ thể là, phải “dạy cho học trò biết yêu nước, thương nòi. Phải dạy cho họ có chí tự lập, tự cường, quyết không chịu thua kém ai, quyết không chịu làm nô lệ”[5]. Cũng phải dạy cho họ lòng yêu lao động, ý thức phục vụ nhân dân, tinh thần hiến dâng cho Tổ quốc...

Cuộc sống luôn sản sinh ra những tri thức mới và luôn đặt ra những vấn đề mới cần nhận thức nên người thầy phải dạy cho người học kỹ năng tự học và ý thức học tập suốt đời. Hồ Chí Minh căn dặn: “Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy phải học thêm”[6]. Người thầy tốt luôn truyền đến người học lòng đam mê tri thức và phương pháp tự học để họ tự tiếp cận tri thức trong suốt cuộc đời.

Do mục đích của việc học là để “hành” nên người thầy phải dạy cho học trò ý thức và năng lực gắn lý luận với thực tiễn. Hồ Chí Minh nhấn mạnh,“đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành”[7] bởi khi ra trường, người học phải bước ngay vào môi trường lao động với nghề nghiệp được đào tạo. Do đó, nếu “học mà không hành thì học vô ích”[8]; người học chẳng khác gì “cái hòm đựng sách”. Ngược lại, chính trong quá trình vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, những tri thức mới sẽ nảy sinh và người học không bị lạc hậu so với thực tiễn.

Thấu hiểu tầm quan trọng của tư duy và cũng là người có tư duy sáng tạo kỳ lạ, Hồ Chí Minh yêu cầu người thầy phải chú trọng phát triển óc sáng tạo cho người học. Muốn vậy, người thầy phải “tránh lối dạy nhồi sọ”[9]; người học phải tránh lối “học gạo, học vẹt”. Hồ Chí Minh yêu cầu: Trong quá trình dạy và học, “phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Đọc tài liệu thì phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách, có vấn đề chưa thông suốt thì mạnh dạn đề ra và thảo luận cho vỡ lẽ”[10]. Đối với người thầy ở bậc đại học, yêu cầu này đặc biệt quan trọng vì “sản phẩm” của họ khi ra trường phải đủ năng lực làm việc độc lập như một trí thức thực thụ.

Thứ ba, Hồ Chí Minh chỉ dẫn cho đội ngũ giáo viên phương pháp giảng dạy.

Giáo dục thực sự là một khoa học nên để hoàn thành sứ mệnh “khai sáng”, ngoài tri thức khoa học và tấm lòng nhiệt huyết, người thầy phải nắm vững nghiệp vụ sư phạm. Họ phải thực hành nhuần nhuyễn các nguyên tắc của khoa học giáo dục như cách dạy phải phù hợp với đối tượng, phải “dạy dần dần từ ít đến nhiều, từ dễ đến khó, từ thấp đến cao”[11], phải dạy “bản chất của vấn đề” chứ không ba hoa, sáo rỗng. Giáo dục đồng thời cũng là nghệ thuật nên người dạy phải tinh tế trong việc nắm bắt tâm lý, năng lực của người học để “kích hoạt” trong họ cảm hứng học tập và cách học phù hợp. Cho dù mỗi người thầy đều có phương pháp và phong cách giảng dạy riêng nhưng rốt cuộc, họ đều phải đạt được mục tiêu là “dạy sao cho học sinh mau hiểu, mau nhớ, lý luận đi với thực hành”[12]. Do đó, người thầy phải không ngừng tìm tòi sáng kiến, cách thức để giúp người học thấu hiểu vấn đề một cách dễ dàng nhất, nhanh chóng nhất, sâu sắc nhất.

Thứ tư, Hồ Chí Minh nhấn mạnh trách nhiệm gương mẫu của người thầy.

Hồ Chí Minh ca ngợi sứ mệnh của người thầy bao nhiêu thì Người cũng đòi hỏi, kỳ vọng vào họ nhiều bấy nhiêu. Người khẳng định chân lý đã được thực tế kiểm nghiệm: “Không phải ai cũng huấn luyện được”[13], tức không phải ai cũng làm thầy được. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Dạy học trong chế độ mới không đơn thuần là kế sinh nhai mà còn là phụng sự xã hội, chăm lo cho thế hệ trẻ mà “trẻ em hay bắt chước, cho nên thầy giáo, cán bộ phụ trách....phải gương mẫu từ lời nói đến việc làm”[14]. Văn hóa phương Đông rất coi trọng các giá trị đạo đức nên người thầy, trước hết phải là tấm gương sáng về đạo đức. Ngoài các chuẩn mực đạo đức cách mạng nói chung, sứ mệnh “trồng người” đòi hỏi họ phải thực sự yêu nghề, mến trẻ, yên tâm và “sống chết” với nghề.

Người thầy là người “hướng đạo” về mặt khoa học, cho nên, họ phải không ngừng học tập theo phương châm “người đi giáo dục cũng phải được giáo dục”. Hồ Chí Minh căn dặn giáo viên “chớ tự túc, tự mãn, cho là giỏi rồi thì dừng lại”[15] bởi khoa học là vô tận, bởi sự non yếu về tri thức của người thầy sẽ để lại di chứng tai hại cho các thế hệ học trò. Thực tế cho thấy, phải “học nhi bất yếm” (học không biết mỏi) thì mới có thể “hối nhân bất quyện” (dạy không biết mệt).

Nhìn chung, lao động của người thầy là lao động đặc biệt; sản phẩm của họ là con người, là tương lai dân tộc. Mỗi khi đứng trước học trò, người thầy đối diện với trăm ngàn “cặp mắt trong veo” đang hướng về họ. Cho nên, người thầy phải là tấm gương vẹn toàn về tài đức và luôn cẩn trọng, mô phạm trong ứng xử cũng như sinh hoạt.

Hồ Chí Minh xác định các biện pháp chủ đạo để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.

“Trồng người” là việc “đại sự quốc gia” nên xây dựng đội ngũ “người trồng” xứng đáng chính là vấn đề “then chốt” nhất của chiến lược giáo dục quốc gia. Không phải vô tình mà triết gia và đại thi hào Ấn Độ R. Tagore lại đúc kết: Đầu tư vào một người đàn ông, ta được một công dân tốt; đầu tư vào một người phụ nữ, ta được một gia đình tốt; đầu tư vào một nhà giáo, ta được một thế hệ tốt. Với tầm nhìn của nhà hoạch định chính sách, Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn một số biện pháp nhằm xây dựng ở nước ta đội ngũ giáo viên “đủ tâm, đủ tầm”.

Trước hết, các trường sư phạm - “địa chỉ” đào tạo các nhà giáo tương lai, phải thực sự là một môi trường kiểu mẫu về học thuật, đạo đức và kỹ năng sư phạm. Môi trường giáo dục là môi trường văn hóa nên các nhà trường phải chú trọng xây dựng văn hóa học đường; các thầy cô phải “thật thà đoàn kết” và tích cực tương trợ, học hỏi lẫn nhau để cùng tiến bộ. Đặc biệt, Hồ Chí Minh nhấn mạnh, phải thực hành dân chủ trong quản lý giáo dục. Người nói rõ: “Có công việc gì, ban phụ trách trường bàn bạc với anh em, làm cho tư tưởng mọi người thông suốt, động viên mọi người cùng làm, chứ không nên ban phụ trách định kế hoạch rồi bắt mọi người làm”[16]. Thực tế cho thấy, phải phát huy dân chủ thì mới phát huy được năng lực sáng tạo và nhiệt huyết của đội ngũ giáo viên; nếu ngược lại thì giáo viên sẽ chán nản, u uất và trở thành “máy nói”, “thợ cày” theo định mức giao khoán của cấp trên. Khi thi đua là nét đặc thù của lao động xã hội chủ nghĩa, Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các nhà trường “dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt[17], phải thường xuyên tôn vinh các điển hình xứng đáng, những sáng kiến hay để “vườn hoa” sư phạm ngày càng ngát hương.

Để đội ngũ “kỹ sư tâm hồn” toàn tâm, toàn ý cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” thì Đảng, Chính phủ và toàn xã hội phải thực sự quan tâm và chăm lo mọi mặt cho giáo viên. Mặc dù luôn yêu cầu đội ngũ giáo viên phải có tinh thần “tiên ưu hậu lạc” nhưng Hồ Chí Minh cũng hiểu rằng, giáo viên không phải thánh nhân, họ cũng có nhu cầu cá nhân và có gia đình nhỏ cần nuôi dưỡng. Vì thế, Người đã nhắc nhở: “Khi nào nền tài chính dồi dào, chính phủ phải nghĩ ngay đến giáo viên là những người từ tầng dưới đến tầng trên, lãnh trách nhiệm đào tạo nhân tài cho Tổ quốc”[18]. Trong Thư gửi các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân, nhân viên, học sinh, sinh viên nhân dịp bắt đầu vào năm học mới (tháng 10/1968) - tác phẩm được xem là “Di chúc dành riêng cho ngành giáo dục”, Người cũng căn dặn: “Các ngành, các cấp Đảng và chính quyền địa phương phải thực sự quan tâm hơn nữa, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt”[19].

Trong lịch sử của dân tộc“vốn xưng nền văn hiến đã lâu” như Việt Nam, tất yếu có nhiều người thầy được lưu danh sử sách nhưng chỉ có Hồ Chí Minh đã đưa đội ngũ giáo viên lên một địa vị chưa từng có - người chiến sỹ trên mặt trận văn hóa giáo dục.

ĐẾN VIỆC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN HIỆN NAY

Trong thời đại kinh tế tri thức, chất lượng nguồn nhân lực - sản phẩm trực tiếp của của giáo dục, đã trở thành nhân tố quan trọng nhất của sự phát triển. Vì thế, có giành được thắng lợi trong cuộc đua về giáo dục thì mới giành được thắng lợi trong cuộc cạnh tranh về kinh tế. Trong suốt thời kỳ Đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đều nhất quán khẳng định: Giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển bền vững. Để đáp ứng những đòi hỏi cấp bách của thực tế, Hội nghị Trung ương 8 khóa XI (tháng 11/2013) của Đảng đã thông qua Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo. Thực hiện nghị quyết đó, giáo dục Việt Nam nói chung và giáo dục Đại học nói riêng đã có bước phát triển mới để đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng lớn của nhân dân. Song hành với việc mở rộng quy mô đào tạo, đội ngũ nhà giáo đã tăng nhanh về số lượng, từng bước tiến tới việc đạt và vượt chuẩn đào tạo. Tuy nhiên, từ thực tế khách quan, Đại hội XII vẫn đưa ra nhận định: “Giáo dục và đào tạo chưa thực sự trở thành quốc sách hàng đầu, thành động lực phát triển. Chất lượng, hiệu quả giáo dục còn thấp so với yêu cầu, nhất là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp[20]. Sự yếu kém của giáo dục Đại học có rất nhiều biểu hiện. Đó là tình trạng “Thừa thầy, thiếu thợ”. Đó là việc đào tạo thiếu gắn kết với thị trường lao động và nghiêng nhiều về lý thuyết nên sinh viên ra trường chưa có “thực học để đủ sức thực nghiệp”. Thêm vào đó, “xu hướng thương mại hóa và sa sút đạo đức trong giáo dục khắc phục còn chậm”[21]. Trong đội ngũ giảng viên, số lượng các nhà khoa học thực thụ không nhiều. Bằng chứng là công bố quốc tế của các trường Đại học hiện rất khiêm tốn... Kết quả là, khi trên thế giới, giáo dục Đại học đã trở thành một ngành kinh tế thực thụ nhưng ở nước ta, tình trạng “chảy máu ngoại tệ”, “chảy máu chất xám” do người học tìm đến các địa chỉ giáo dục ngoài nước vẫn đang diễn ra. Để khắc phục các vấn nạn đó, Đại hội XII của Đảng đề ra mục tiêu: “Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo”[22]. Như vậy, Đảng đã nhận thức rõ: Vấn đề mấu chốt của tiến trình đổi mới giáo dục đại học chính là nâng cao chất lượng của đội ngũ giảng viên. Lúc này, cần có sự thay đổi sâu sắc tư duy giáo dục của cả đội ngũ giảng viên và đội ngũ làm công tác quản lý. Quan điểm của Hồ Chí Minh về nhà giáo đã gợi mở phương hướng hành động cụ thề cho từng chủ thể giáo dục.

Một là, từ chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về nội dung và phương pháp giảng dạy, đội ngũ giảng viên có định hướng để “tự chuẩn hóa” và “nâng cấp” bản thân.

Đội ngũ giảng viên - nhân vật trung tâm của các trường Đại học, đóng vai trò quyết định đến sự thành bại của công cuộc đổi mới giáo dục Đại học. Hội nghị Trung ương 8 khóa XI (tháng 10/2013) đặt ra yêu cầu: Phải chuyển đổi đào tạo theo hướng coi trọng sự phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Đây chính là sự cụ thể hóa, thời sự hóa quan điểm của Hồ Chí Minh về nội dung và phương pháp dạy học vào điều kiện hiện nay. Vì thế, đội ngũ giảng viên sẽ tìm thấy trong quan điểm của Hồ Chí Minh sự gợi mở phương hướng hành động.

Để tạo ra con người toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước, mỗi giảng viên phải vận dụng sáng tạo quan điểm giáo dục toàn diện nhưng đạo đức là gốc của Hồ Chí Minh. Do tác động từ “mặt trái” của quá trình toàn cầu hóa và kinh tế thị trường, một bộ phận sinh viên đang có lối sống vị kỷ, hưởng lạc, chạy theo đồng tiền, một bộ phận khác lại thờ ơ trước thời cuộc. Sự “lên ngôi” của thế giới “ảo” cũng làm sinh viên giảm sút nhu cầu giao tiếp và làm nảy sinh trong họ một số thị hiếu không lành mạnh… Hiện trạng đó hết sức nguy hiểm vì tương lai của dân tộc phụ thuộc vào họ, có giữ được độc lập hay không cũng là do họ.

Cách đây 1 thế kỷ, khi nhà yêu nước Phan Bội Châu hỏi ý kiến của cụ Lương Khải Siêu - nhà canh tân nổi tiếng Trung Quốc về kế sách giành lại độc lập, cụ Lương đã nói một câu chí lý: “Quý quốc chớ lo không có ngày độc lập mà chỉ nên lo quốc dân không có đủ tư cách độc lập...”[23]. Cũng chính Nguyễn Ái Quốc cũng từng lo ngại về sự bạc nhược của thanh niên và cảnh báo: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh”[24]. Vì thế, truyền cho sinh viên - tầng lớp tinh hoa của thanh niên Việt Nam, lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, chí khí tự cường chính là tạo ra động lực bảo vệ Tổ quốc và chấn hưng dân tộc. Cũng nhất thiết phải dạy cho họ biết lao động, yêu lao động vì đúng như Hồ Chí Minh đã giải thích, lao động mang lại cho họ nhiều tác dụng: “Một là làm cho họ biết kính trọng sự cần lao. Hai là tập cho họ quen khổ. Ba là cho họ cái chí khí tự thực kỷ lực (làm lấy mà ăn), không ăn bám xã hội. Bốn là có ích cho sức khỏe của họ”[25]. Cũng phải dạy cho họ tri thức chính trị vì “không hiểu lý luận thì như người mù đi đêm”[26], vì sinh viên đang rất ngại học, lười học các môn khoa học chính trị. Khi từ “dạy” trong giáo dục không chỉ là “dạy chữ” mà còn là “dạy người” thì tất cả giảng viên, dù dạy bất cứ chuyên ngành gì, đều có trách nhiệm “gieo hạt mầm đạo đức” và tri thức chính trị cho sinh viên.

Để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền giáo dục “thực học, thực nghiệp”, đội ngũ giảng viên phải cung cấp cho sinh viên những tri thức thiết thực, tức là “cái mà xã hội đang cần” chứ không phải là “cái mà giảng viên đang có”. Vì thế, bản thân giảng viên phải biết tự “thải loại” những kiến thức, phương pháp lạc hậu và không ngừng bổ sung, “làm mới” vốn tri thức, kỹ năng của mình.

Trong thời đại thông tin, triết lý về xã hội học tập, về nguyên tắc học tập suốt đời mà Hồ Chí Minh đề cao, đã trở thành một chân lý hiển nhiên. Trong không khí đó, mỗi giảng viên phải kiên trì học tập, tăng cường nghiên cứu khoa học để trở thành một chuyên gia thực thụ về chuyên ngành giảng dạy. Đúng như Mác từng viết: Trong khoa học không có con đường nào rộng rãi, thênh thang, bằng phẳng, chỉ có những ai chịu khó trèo từng mỏm đá trên những nẻo đường gai góc, gập ghềnh mới có hy vọng đạt tới những đỉnh cao sán lạn của khoa học. Ngày nay, một giảng viên tốt tất yếu phải là một nhà khoa học. Thành tựu nghiên cứu khoa học của họ không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, khẳng định thương hiệu nhà trường mà còn truyền cho sinh viên niềm đam mê và phương pháp nghiên cứu khoa học. Cả thầy và trò ở các trường Đại học đều phải thực hiện phương châm: Thế giới là trường học rộng lớn, tuổi đời chính là tuổi học.

Do nền giáo dục ngày nay là nền giáo dục khai phóng chứ không phải đào tạo ra những công dân chỉ biết nghe lời, những “con mọt sách”, cho nên, giảng viên phải chuyển từ dạy tri thức sang dạy cách học, dạy cách tư duy. Nhà bác học Albert Einstein từng nói: Giáo dục không phải là học thuộc những điều hiển nhiên, giáo dục là huấn luyện khả năng tư duy. Do đó, người thầy không nên “nhồi nhét” kiến thức mà phải trang bị cho người học thói quen “hoài nghi khoa học”, năng lực phản biện các tri thức có sẵn và sáng tạo ra những tri thức mới. Tuy nhiên, đúng như Hồ Chí Minh đã nói: Thói quen rất khó đổi. Để thay đổi cách dạy “độc thoại”, nặng về cung cấp thông tin sang cách dạy “lấy người học làm trung tâm”, đánh thức tư duy của người học, là điều không dễ dàng, nhưng người thầy phải tìm cách thích ứng. Khi xu hướng hội nhập và cạnh tranh quốc tế về giáo dục tăng lên, xu hướng đào tạo trực tuyến qua mạng Internet ngày càng phát triển, mỗi giảng viên cũng phải biết ứng dụng công nghệ thông tin vào việc giảng dạy sao cho phù hợp nhất với chuyên môn do mình phụ trách.

từ quan điểm của Hồ Chí Minh, mỗi giảng viên phải nhận thức sâu sắc sứ mệnh cao cả của mình và không ngừng hoàn thiện bản thân về mọi mặt để tạo ra “những sản phẩm người” hữu ích.

Hai là, từ quan điểm của Hồ Chí Minh, đội ngũ cán bộ quản lý có định hướng đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục.

Muốn đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Đại học thì tất yếu phải đổi mới công tác quản lý giáo dục. Từ chỉ dẫn của Hồ Chí Minh và từ yêu cầu của thực tiễn hiện nay, có hai vấn đề cần sự chú ý đặc biệt của những người làm công tác quản lý giáo dục.

Đúng như Hồ Chí Minh khẳng định, nền giáo dục ở nước ta là nền giáo dục dân chủ nên việc quản lý giáo dục Đại học cần thực hiện theo nguyên tắc dân chủ. Xét về tầm vĩ mô, Bộ Giáo dục và Đào tạo - cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục, sẽ phải tăng quyền tự chủ cho các trường Đại học. Sự tự chủ phải được thể hiện đầy đủ trên các phương diện như chương trình đào tạo, đội ngũ nhân sự, phân bổ tài chính, nghiên cứu khoa học và liên kết đào tạo... Thật đáng ngạc nhiên là vấn đề này đã nằm trong sự trù tính của Hồ Chí Minh. Bằng chứng là ngày 10/10/1945, Người đã ký Sắc lệnh về việc thiết lập một Quỹ tự trị cho trường Đại học Việt Nam; tuy nhiên, điều kiện chiến tranh không cho phép Người thực hiện đến cùng ý tưởng đó. Ngày nay, việc tăng cường quyền tự chủ và gia tăng trách nhiệm giải trình của các trường Đại học là hai mặt của một vấn đề. Quản lý nhà nước sẽ chuyển từ kiểm soát sang giám sát nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo và ngăn ngừa, hạn chế sự trục lợi cá nhân, xu thế thương mại hóa không lành mạnh của các trường đại học. Đây là vấn đề rất phức tạp vì liên quan đến sự phân chia thẩm quyền, trách nhiệm và đi liền với đó còn là lợi ích. Khi việc tăng cường quyền tự chủ của các trường Đại học là một xu thế của thế giới thì cơ quan chủ quản phải tìm ra “điểm cân bằng” để các trường Đại học vẫn phát huy được sự năng động của mình nhưng vẫn không chệch hướng so với mục tiêu đào tạo mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Không dừng lại ở tầm vĩ mô, ngay trong từng cơ sở đào tạo Đại học, Ban lãnh đạo nhà trường cũng phải chỉ đạo, quản lý giảng viên theo tinh thần dân chủ. Trước khi thay đổi chương trình đào tạo, chính sách phát triển, chế độ đãi ngộ hay thuyên chuyển nhân sự, cần có sự bàn bạc công khai với giảng viên và chú tâm lắng nghe ý kiến của họ, kể cả những ý kiến phản biện. Thực hành dân chủ thì các nhà quản lý không nên thành kiến với những người có ý kiến trái chiều và càng không nên “phán” quá sâu, áp đặt thiên kiến chủ quan về vấn đề chuyên môn vì bản thân người quản lý không thể thông thạo mọi chuyên ngành mà nhà trường đang đào tạo. Cán bộ quản lý phải gần gũi các giảng viên thường, khơi dậy ở họ ý thức trách nhiệm, sự tự giác và tinh thần sáng tạo. Thực tế cho thấy, lối chỉ đạo mệnh lệnh, áp đặt, ngẫu hứng và căn bệnh hình thức của người lãnh đạo sẽ làm cả người dạy và người học hết sức mệt mỏi. Từ lời dặn của Hồ Chí Minh về thực hành dân chủ trong nhà trường, lúc này cần xây dựng văn hóa trường học theo tiêu chí “Học thuật - dân chủ - nhân ái - đoàn kết”.

Một vấn đề nữa đòi hỏi các cơ quan quản lý phải lưu tâm, phải đứng về giảng viên để kiến nghị và giải quyết: Đó là phải tăng thu nhập cho giảng viên. Hiện nay, mặc dù đã có phụ cấp đứng lớp và thâm niên làm việc , lương giảng viên vẫn ở mức thấp trong xã hội. Trong khi đó, giảng viên phải làm nhiều việc theo chuyên môn, ngoài chuyên môn và chịu nhiều áp lực. Ngoài việc cân đối để có mức lương xứng đáng dành cho những người làm nghề “cao quý vào bậc nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo bậc nhất trong những nghề sáng tạo”, các cơ quan quản lý phải thực hiện tốt hơn công tác thông tin, truyền thông để cả xã hội thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn, vất vả của đội ngũ nhà giáo và giữ gìn truyền thống “Tôn sư, trọng đạo”. Sự chăm lo, quan tâm đến những người thầy của các cơ quan hữu quan sẽ chứng tỏ, giáo dục đã thực sự là “quốc sách” hay chưa, hệ thống chính trị đã thực hiện lời dặn của Hồ Chí Minh về sự cần thiết phải chăm sóc mọi mặt cho giáo viên hay chưa.

Lịch sử đã chứng minh: Một dân tộc muốn trở nên thông thái và đứng trên đỉnh cao của văn minh nhân loại thì phải quan tâm đến những người thầy. Quan điểm của Hồ Chí Minh về đội ngũ nhà giáo đã thể hiện sự nhận thức khoa học, nhân văn của Người về 2 yêu cầu khách quan của công tác giáo dục. Đó cũng là minh chứng cho sự nỗ lực của Người trong việc tìm kiếm phương thức phát triển cho dân tộc. Mặc dù bối cảnh thế giới và đất nước hiện nay có nhiều thay đổi so với thời mà Hồ Chí Minh đã sống, quan điểm của Người về đội ngũ nhà giáo vẫn tỏ rõ sự thích ứng với môi trường giáo dục hiện đại. Những lời căn dặn mang tầm chân lý của Người không chỉ là nguồn động viên tinh thần đối với những người làm nghề “trồng người” mà còn là sự gợi mở cách thức tháo gỡ các vướng mắc trong hiện tại và phương hướng hành động trong tương lai để đội ngũ nhà giáo có thể đóng góp nhiều nhất cho sự nghiệp đổi mới giáo dục và xứng đáng với niềm tin yêu, sự kỳ vọng của “người đồng nghiệp - người Thầy vĩ đại” Hồ Chí Minh./.

PGS. TS. GVCC Trần Thị Minh Tuyết

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Nguồn tin: ban khoa giáo trung ương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Lượt truy cập
  • Đang truy cập10
  • Hôm nay1,138
  • Tổng lượt truy cập2,164,851
LIÊN KẾT WEBSITE
hotline
Tuyên truyền NTM
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây