Một ngày trung tuần tháng 3, chúng tôi đến ấp An Quý, xã Thanh An. Nơi trước đây từng đối diện với bao khó khăn thì giờ “thay da đổi thịt” đến ngỡ ngàng. Đổi thay dễ nhận thấy nhất ở ấp An Quý là những tuyến đường giao thông liên ấp bằng phẳng, rộng rãi. Điển hình như tuyến đường trung tâm ấp dài hơn 1,3km trước đây “nắng bụi, mưa lầy” nay đã được bê tông hóa.
Với chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm (Nhà nước 70%, người dân 30%), người dân đã nhiệt tình hưởng ứng. Những hộ sống hai bên đường đóng góp 4-5 triệu đồng/hộ, ở xa đường hơn thì đóng góp từ 1-1,5 triệu đồng/hộ. Các hộ còn tự nguyện hiến đất, cây trồng nên chỉ sau hơn 3 tháng thi công, tuyến đường rộng 3m, lề mỗi bên rộng khoảng 2m, trị giá hàng tỷ đồng đã hoàn thành.
Ông Lê Hoàng Đàn, Bí thư chi bộ ấp An Quý nói: “Từ năm 2016, phong trào xây dựng nông thôn mới phát động mạnh mẽ trong ấp. Nhờ đó, đường sá được mở rộng, tạo thuận lợi trong việc giao thương, đi lại. Đến nay, hơn 80% tuyến chính của ấp được bê tông hóa và vẫn tiếp tục đầu tư. Với đà này, chỉ khoảng 1 năm nữa toàn bộ đường đất sẽ được thay thế bằng đường bê tông”.
Để có những con đường thoáng đãng, đường đèn sáng lung linh mỗi đêm, đem lại hạnh phúc cho mỗi người dân An Quý thì điểm nổi bật nhất ở đây là tinh thần đoàn kết. Mọi người cùng giúp nhau phát triển từ kinh tế đến văn hóa tinh thần. Ông Phạm Văn Điều (65 tuổi) ở tổ 3, ấp An Quý chia sẻ: Một thời, người dân ở đây đa số nghèo khó, nhưng nhờ sự giúp đỡ, san sẻ, đùm bọc của xóm giềng cả về vật chất lẫn tinh thần nên gia đình tôi cùng nhiều hộ khác dần ổn định cuộc sống.
Và ấm no, hạnh phúc hiện diện
Khi đời sống kinh tế được cải thiện, những năm qua, khuyến học, khuyến tài ở ấp An Quý đã được quan tâm và đạt nhiều kết quả tích cực. Quỹ khuyến học ấp An Quý được xây dựng từ việc mỗi năm một hộ dân góp 10 ngàn đồng. Hằng năm sẽ dành trao cho học sinh giỏi của ấp vào các dịp: Ngày quốc tế thiếu nhi 1-6 hoặc Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Thầy Trần Văn Tùy (45 tuổi) có 17 năm dạy học tại xã Thanh An nhận xét: “Lúc tôi mới về đây dạy học, việc học của con em chưa được các bậc phụ huynh xem trọng. Tỷ lệ học sinh bỏ học cao. Nhưng khoảng 10 năm nay, phong trào khuyến học, khuyến tài không ngừng phát triển, tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1 luôn đạt 100%, rất ít học sinh bỏ học giữa chừng”.
Theo ông Lê Hoàng Đàn, xuất phát điểm rất thấp nên ngay khi đến vùng đất mới, mọi người, mọi nhà đều ra sức lao động, học tập với mong muốn có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đồng thời, với tình cảm xóm giềng, tinh thần tương thân tương ái nên đến nay, cái nghèo đã được đẩy lùi. Đời sống người dân An Quý đã đủ đầy, an vui.
Bí thư ấp An Quý Lê Hoàng Đàn cho biết: “Ấp An Quý có 168 hộ dân/626 người với 65% hộ khá, giàu. Hiện chỉ còn 2 hộ cận nghèo và đã có kế hoạch xóa trong năm nay; 2 hộ diện bảo trợ xã hội. Với mong muốn xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, những năm qua, địa phương đã phát động phong trào xây dựng nông thôn mới và nhờ sự chung tay hưởng ứng nhiệt tình của mọi người dân đã đưa vùng quê từng gặp muôn vàn khó khăn trở nên “sáng, xanh, sạch, đẹp, ấm no, hạnh phúc”.
|
Bùi Liêm