XÃ VIÊN HỢP TÁC XÃ THỦ CÔNG THU TIỀN TỶ TỪ NGHỀ DỆT THỔ CẨM

Thứ ba - 16/02/2021 04:38 2.177 0
Nhiều chị em người Êđê ở xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột đã có được công việc tăng thêm thu nhập, tận dụng hết thời gian nhàn rỗi.
Chị H Phê Bê Bkrông (trái) đang tỉ mỉ dệt tấm thổ cẩm dùng để may chân váy.
Chị H Phê Bê Bkrông (trái) đang tỉ mỉ dệt tấm thổ cẩm dùng để may chân váy.

Sau những ngày nghỉ Tết, vui Xuân, các chị em thành viên Hợp tác xã (HTX) dệt thổ cẩm Tơng Bông, ở thành phố Buôn Ma Thuột lại bước vào 1 năm lao động sản xuất mới. Với tình yêu nghề và mong muốn gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống, các chị lại tiếp tục cần mẫn dệt nên những sản phẩm mới để cung cấp cho các đơn hàng trong năm mới.

Qua 4 ngày nghỉ Tết, chị H Yăm Bkrông, ở buôn Cư Êbông, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk lại trở về với công việc quen thuộc là dệt thổ cẩm tại HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông. Chị H Yăm cho biết, đây là công việc tạo thu nhập ổn định cho chị trong suốt 15 năm qua.

Nếu như trước kia thu nhập chủ yếu từ làm nông thì nay nghề nông đã trở thành nghề phụ, làm tranh thủ, còn lại phần lớn thời gian chị gắn bó với công việc dệt thổ cẩm. Trong gia đình chị hiện nay cả 3 thế hệ đều biết dệt thổ cẩm, và có 5 người đang là thành viên của HTX dệt thổ cẩm.

“Sau khi được đào tạo tại HTX, mình đã biết cách dệt, cách kéo sợi sau đó về nhà mình dạy lại cho 2 đứa em. Tiếp đó mình lại chỉ cho 2 đứa con của mình và nay chúng nó cũng đều biết dệt. Với lòng yêu nghề, khi về nhà sau khi làm xong ruộng, rẫy, mình tranh thủ làm nghề dệt và nhận lương của HTX. Ở HTX mình dệt bằng máy, khi về nhà thì mình dệt bằng tay”, chị H Yăm kể.
 

H Phê Bê BKrông là con gái chị H Yăm, hiện là thành viên trẻ tuổi nhất của HTX dệt thổ cẩm. Đang là sinh viên năm cuối trường Cao đẳng Sư phạm, nhưng H Phê Bê đã có thâm niên 4 năm làm công việc dệt thổ cẩm.

H Phê Bê kể, chị được mẹ truyền nghề cho từ năm 16 tuổi, ban đầu chỉ vì tò mò học cho biết, nhưng học rồi thì thấy yêu thích nên chị đã tham gia lớp đào tạo nghề do HTX phối hợp với trường Cao đẳng nghề tổ chức. Đến năm 18 tuổi, chị đã thành thạo nghề và trở thành thành viên của hợp tác xã từ đó đến nay.

Công việc này đã giúp ích cho chị rất nhiều, khiến chị cảm thấy tự hào về sản phẩm thủ công truyền thống, đồng thời tạo ra thu nhập để chị trang trải chi phí học tập và sinh hoạt trong quá trình theo học tại trường.

“Các hoa văn trên áo và trên váy em đều biết hết, chỉ còn những hoa văn mới đang phải học. Mỗi sản phẩm dệt hoa văn đều có những ý nghĩa khác nhau, để làm được đòi hỏi mỗi người sự kiên trì, siêng năng và muốn gìn giữ truyền thống văn hóa, trang phục của dân tộc mình. Với một người không yêu nghề chắc chắn không làm được”, H Phê Bê tâm sự.

Được thành lập từ năm 2003, ban đầu HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông chỉ có 10 thành viên. Đến nay, số thành viên đã lên đến 45 người, tập hợp các chị em người Êđê từ các buôn trong xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột. Công việc tại HTX hiện nay khá đa dạng như dệt tay, thiết kế, dệt máy, may ráp sản phẩm…

Nhờ đa dạng sản phẩm, đa dạng phần việc nên thu nhập của xã viên ngày càng ổn định, thu hút ngày càng đông các xã viên tham gia vào HTX. Doanh thu của HTX trong năm vừa qua đạt 1,2 tỷ đồng, thu nhập bình quân của thành viên đạt từ 3,2 – 3,5 triệu đồng/tháng.

 
Công việc tại HTX khá đa dạng như dệt tay, thiết kế, dệt máy, may ráp sản phẩm.

Sản phẩm của HTX đã tìm được đầu ra ổn định tại Đắk Lắk, Đắk Nông và Quảng Nam. Bước vào những ngày làm việc đầu tiên trong năm mới, các thành viên của hợp tác xã đều phấn khởi, đặt nhiều kỳ vọng cho một năm sản xuất thuận lợi và hiệu quả.

“Trong năm mới mình cầu mong sự vui vẻ, bình an cho mọi gia đình, sức khỏe cho các thành viên HTX. Mình hi vọng công việc của HTX sẽ phát triển hơn nữa, đến với các khách hàng ở các nơi để họ biết đến các sản phẩm do HTX làm ra, từ đó giúp cho việc kinh doanh, giới thiệu và quảng bá sản phẩm được dễ dàng, thuận lợi hơn”, chị H Dium Byă, thành viên hợp tác xã chia sẻ.

Tham gia HTX, nhiều chị em người Êđê ở xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột đã có được công việc tăng thêm thu nhập, tận dụng hết thời gian nhàn rỗi. Đồng thời, công việc dệt thổ cẩm và sản phẩm thủ công truyền thống không bị mai một theo thời gian mà được phát triển gắn với đời sống hiện đại.

Những động lực ấy góp phần thúc đẩy những những tấm lòng yêu nghề, yêu văn hóa truyền thống càng được cổ vũ. Từ đó góp phần để sản phẩm thổ cẩm của người Êđê vẫn được bảo tồn và đưa vào đời sống, làm đẹp thêm cho đời, cho người, cho những mùa Xuân mới./.

Tác giả bài viết: H Xíu/VOV-Tây Nguyên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Lượt truy cập
  • Đang truy cập17
  • Hôm nay1,138
  • Tổng lượt truy cập2,164,888
LIÊN KẾT WEBSITE
hotline
Tuyên truyền NTM
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây