ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975-BÀI HỌC VỀ SỰ LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO CỦA ĐẢNG

Thứ tư - 28/04/2021 06:13 843 0
(TG) - Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam đã đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc như một trong những trang sử chói lọi nhất, đi vào lịch sử nhân loại như một trong những chiến công thần kỳ của cuộc đấu tranh chống áp bức dân tộc của nhân dân toàn thế giới trong thế kỷ XX. Đặc biệt, đại thắng mùa Xuân 1975 đã để lại nhiều bài học có ý nghĩa lịch sử.
ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975-BÀI HỌC VỀ SỰ LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO CỦA ĐẢNG

                      Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. (Ảnh tư liệu)

Thắng lợi vĩ đại đó là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố, từ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng - đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại với đường lối chính trị, quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với điều kiện nước ta đến tinh thần chiến đấu, hy sinh quả cảm, thông minh của toàn thể nhân dân ta mà nòng cốt là lực lượng vũ trang ba thứ quân trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân; tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc nước ta; tình đoàn kết chiến đấu liên minh bền vững của nhân dân 3 nước Đông Dương và sự ủng hộ mạnh mẽ, chân tình của nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới… Trong đó, “nhân tố quyết định thắng lợi quan trọng nhất là sự lãnh đạo của Đảng”(1). Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên định vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, giá trị truyền thống dân tộc và kinh nghiệm thực tiễn thế giới vào quá trình lãnh đạo, chỉ đạo trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà đỉnh cao là đại thắng mùa Xuân năm 1975. Đây là những bài học quý báu về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong những giai đoạn quyết định của cách mạng.

Một là, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về bạo lực cách mạng và tư tưởng cách mạng tiến công, kiên quyết, khôn khéo dùng bạo lực cách mạng để kết thúc chiến tranh.

Hiệp định Paris về “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam” ký ngày 27/1/1973 buộc đế quốc Mỹ phải đơn phương rút quân khỏi nước ta. Nhưng với bản chất xâm lược, chúng tiếp tục tăng cường viện trợ cho nguỵ quyền nhằm kéo dài chiến tranh theo kiểu “Việt Nam hoá”. Với ý đồ thâm độc, đế quốc Mỹ đã ráo riết thực hiện chủ trương “hiện đại và tinh nhuệ hoá” nguỵ quân, tăng cường chi viện quân sự khối lượng lớn và xúi giục quân nguỵ vi phạm Hiệp định Paris một cách trắng trợn, gây cho chúng ta rất nhiều khó khăn trong thực thi Hiệp định và bảo toàn vùng giải phóng. Bên cạnh đó, một số cấp ủy, địa phương do biểu hiện mơ hồ, ảo tưởng, trông chờ “thiện chí” thi hành Hiệp định Paris của phía đối phương, dẫn tới thiếu cảnh giác, để địch mở rộng lấn chiếm nhiều vùng giải phóng. Để khắc phục tình hình, tháng 7/1973, Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá III đã kịp thời ban hành Nghị quyết về “Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và nhiệm vụ của cách mạng miền Nam Việt Nam trong giai đoạn mới” (Nghị quyết 21). Nghị quyết khẳng định: “Con đường của cách mạng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng. Bất kỳ trong tình huống nào ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công và chỉ đạo linh hoạt để đưa cách mạng miền Nam tiến lên”(2).

Quán triệt quan điểm của Đảng, Quân ủy Trung ương và các cấp uỷ Đảng ở miền Nam đã nhất quán phương châm: “Con đường cách mạng miền Nam vẫn là con đường bạo lực cách mạng, tư tưởng chiến lược vẫn là tư tưởng tiến công, tuyệt đối không thể mơ hồ, ảo tưởng. Phương hướng hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta là phải ra sức nhanh chóng tạo thế mới, quyết tiến lên giành thắng lợi cuối cùng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”(3).

Với nhận thức đúng âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, với ý chí và khát vọng độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, với quyết tâm “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương khóa III đã chỉ ra cho cách mạng miền Nam một hướng đi chính xác, tạo cơ sở lý luận, thực tiễn cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Hai là, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về đánh giá, so sánh lực lượng đúng đắn, hạ quyết tâm chiến lược chính xác, kịp thời.

Dưới ánh sáng của Nghị quyết 21, sự chỉ đạo sáng suốt, kịp thời của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, quân và dân ta ở miền Nam đã có nhiều hoạt động quân sự, chính trị nhằm chống địch phá hoại Hiệp định Paris đã phát triển lên đỉnh cao và thu được nhiều thắng lợi. Mặc dù đế quốc Mỹ vẫn ngoan cố “dính líu” về quân sự ở miền Nam, chỉ huy quân nguỵ Sài Gòn tiếp tục thực hiện các hoạt động phá hoại, xâm lấn các vùng giải phóng, nhưng không còn khả năng đưa quân trở lại Việt Nam. Mỹ rút, nội bộ chính quyền ngụy ngày càng rối ren, lực lượng ngụy quân ngày càng bộc lộ những điểm yếu. Từ năm 1974, quân nguỵ cơ bản phải lui về giữ các đô thị, các đường giao thông và những vùng có ý nghĩa chiến lược. Chúng không thể đương đầu nổi với lực lượng ta đã mạnh hẳn lên cả về chính trị và quân sự. Quân và dân ta đã đánh cho “Mỹ cút” thì cũng có đầy đủ cơ sở và điều kiện để đánh cho “nguỵ nhào”.

Từ ngày 30/9 đến 8/10/1974, Hội nghị Bộ Chính trị khoá III và Quân uỷ Trung ương họp, đã đánh giá: bước ngoặt căn bản trong so sánh lực lượng giữa ta và địch đã hoàn toàn có lợi cho ta. Ta đã thúc đẩy thời cơ chiến lược chín muồi, đã tạo nên yếu tố chiến lược quan trọng để tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Trên cơ sở đó Hội nghị “hạ quyết tâm lịch sử hoàn thành giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975-1976… nhất trí duyệt kế hoạch chiến lược cơ bản dự thảo lần thứ VII do Bộ Tổng tham mưu chuẩn bị”(4) và nhấn mạnh: “thực hiện kế hoạch cơ bản năm 1975-1976 nhưng phải ra sức chuẩn bị về mọi mặt để khi thời cơ lịch sử đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức tập trung lực lượng của cả nước giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975”(5). Trước diễn biến mau lẹ của tình hình chiến trường miền Nam, Hội nghị Bộ Chính trị cuối tháng 12/1974 đã bổ sung và hoàn chỉnh quyết tâm chiến lược, kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Với quyết tâm chiến lược đúng đắn, chính xác, kịp thời, việc tổ chức thực hiện chiến lược của ta ngay từ đầu đã ở thế chủ động, nên có điều kiện đánh địch theo ý ta, làm xuất hiện thời cơ và nhanh chóng chớp thời cơ chiến lược, dấn lên đánh đòn quyết định để giành thắng lợi hoàn toàn.

28(55)

Ban Quân ủy Trung ương theo dõi diễn biến của chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn, Hà Nội, tháng 4-1975 (Nguồn: baotanglichsu.vn)

Ba là, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về chủ động chuẩn bị lực lượng mạnh, xây dựng thế trận, tạo và chớp thời cơ, kiên quyết tiến lên giành thắng lợi trong thời gian ngắn nhất.

Trên cơ sở nắm vững quy luật “mạnh được, yếu thua” của chiến tranh, với quyết tâm chiến lược đã xác định, Đảng đã lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh chủ động chuẩn bị lực lượng mạnh, bí mật triển khai thế trận hiểm và bất ngờ, buộc địch mắc mưu, phải bị động đối phó. Từ sự bị động đối phó, chúng dẫn tới liên tiếp mắc sai lầm về chiến dịch, chiến lược, làm xuất hiện thời cơ có lợi cho ta. Ta nhanh chóng chớp thời cơ có lợi, tập trung sức đánh mạnh địch, đẩy chúng vào thế tuyệt vọng, buộc phải đầu hàng vô điều kiện, ta giành thắng lợi sớm hơn dự kiến.

Để thực hiện chiến lược đã đề ra và sẵn sàng đón thời cơ, chuẩn bị cho các đòn tác chiến chiến dịch quy mô lớn, từ tháng 10/1973, Đảng ta đã có chủ trương cho thành lập các binh đoàn cơ động chiến lược mạnh để tạo khả năng đánh các đòn quyết định chiến trường. Tháng 3/1975, ta đã thành lập các Quân đoàn 1, 2, 3, 4 và Đoàn 232 (tương đương quân đoàn) có sức cơ động mạnh để đánh địch trong các trận quyết chiến chiến lược.

Song song với chuẩn bị lực lượng mạnh, Bộ Chính trị đã chỉ thị cho Quân ủy, Bộ Tổng tham mưu chủ động chuẩn bị thế trận và chiến trường theo hướng tạo thế hiểm và bí mật, bất ngờ để chủ động đánh địch. Theo đó, Bộ Chính trị chỉ đạo chọn Tây Nguyên là chiến trường mở màn trọng điểm với hướng tiến công chiến lược từ phía Nam đánh lên, miền Đông Nam Bộ là hướng quyết định cuối cùng. Với cách đánh chiến lược, chiến dịch là kết hợp ba đòn mạnh (chủ lực, nông thôn, đô thị) và bằng 3 mũi giáp công trên cả ba vùng chiến lược, trong đó các trận đánh của các binh đoàn chủ lực cơ động mạnh là những đòn quyết định.

Đúng như dự kiến của Đảng, trận mở màn ở Nam Tây Nguyên diễn ra từ ngày 4 đến ngày 24/3/1975 đã giành thắng lợi giòn giã, quân địch hoàn toàn bị bất ngờ, lúng túng cả về chiến lược, chiến dịch và chiến thuật, tạo ra sự chấn động mạnh và phá vỡ một mảng lớn quân địch, buộc chúng phải đảo lộn thế bố trí chiến dịch và chiến lược, tác động dây truyền đến toàn bộ chiến trường, đẩy chúng đến chỗ cùng quẫn, hoảng loạn. Chớp thời cơ chiến dịch, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương kịp thời chỉ đạo quân và dân ta ở miền Nam mở chiến dịch Huế - Đà Nẵng, chỉ đạo Quân khu 5 kết hợp với Bộ tư lệnh Hải quân mở chiến dịch giải phóng các đảo do quân nguỵ Sài Gòn đóng giữ.

Ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị họp và nhận định: “Thời cơ chiến lược tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào sào huyệt của địch đã chín muồi. Cần có sự quyết tâm lớn hoàn thành trận quyết định chiến lược cuối cùng tốt nhất trong tháng 4/1975”. Trong bối cảnh ấy, đầu tháng 4/1975, Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ Tư lệnh chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Đảng luôn nắm chắc tình hình chiến trường, lãnh đạo chỉ đạo kịp thời, linh hoạt các lực lượng thừa thắng xông lên, với tinh thần “một ngày bằng 20 năm”, với ý chí và quyết tâm “thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ thời gian, từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến, quyết thắng”(6), bộ đội và nhân dân ta trên khắp các chiến trường đã dũng mãnh xông lên với tinh thần “tất cả cho thắng lợi”.

Sau 55 ngày đêm tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công, thần tốc truy đuổi quân địch đến tận sào huyệt cuối cùng, bằng trận quyết chiến chiến lược lịch sử - chiến dịch Hồ Chí Minh, Sài Gòn - Gia Định được hoàn toàn giải phóng, 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975 lá cờ cách mạng của quân và dân ta tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của bè lũ bán nước và xâm lược.

Bốn là, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân để giành thắng lợi trọn vẹn.

Thành công nổi bật khác về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ta trong đại thắng mùa Xuân 1975 là đã tạo ra và phát huy đến mức cao nhất sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, chiến tranh cách mạng để giành thắng lợi trọn vẹn, không để xảy ra đổ vỡ nghiêm trọng. Đảng chỉ đạo lấy tiến công quân sự của các binh đoàn cơ động chiến lược mạnh làm “đòn cân não”, kết hợp chặt chẽ với sự nổi dậy của quần chúng đấu tranh chính trị và binh vận, làm tan rã nhiều bộ phận quân địch, giải phóng từng địa bàn chiến lược rộng lớn, tiến tới tổng công kích, tổng nổi dậy để giành quyền làm chủ và giành thắng lợi hoàn toàn.

Đảng ta nắm vững quy luật chiến tranh, quy luật phát huy sức mạnh tổng hợp và quy luật “quyết định chiến trường là lực lượng vũ trang”, tin tưởng vào sức mạnh của quần chúng nhân dân, vận dụng sáng tạo quy luật chiến tranh và quy luật khởi nghĩa vũ trang.

Cùng với sử dụng sức mạnh quân sự của các binh đoàn chủ lực để làm tan rã hệ thống phòng thủ của địch và lực lượng ngụy quân, ngụy quyền, Đảng đã chỉ đạo kết hợp chặt chẽ tiến công quân sự với phát động quần chúng nhân dân nổi dậy làm chủ địa bàn, tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn và rộng khắp.

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã thể hiện tinh thần quật khởi của cả dân tộc Việt Nam khi tiến hành một cuộc “trường chinh” vĩ đại với ý chí thép, chấp nhận hy sinh tất cả để đổi lấy hòa bình, non sông thu về một mối, hoàn thành khúc khải hoàn ca “to lớn nhất, toàn diện nhất, triệt để nhất, trọn vẹn nhất”.

Năm là, Đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo vận dụng sáng tạo, tài tình nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Vận dụng sáng tạo và tài tình nghệ thuật quân sự dân tộc đã là một tài sản và truyền thống quý báu của Đảng ta. Song, trong đại thắng mùa Xuân 1975, sự vận dụng đó đã phát triển thành một đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Đảng đã xác định phương hướng và mục tiêu tiến công đúng đắn, lựa chọn thời cơ tiến công thích hợp, cơ động và tập trung lực lượng kịp thời, đề ra hình thức tác chiến có hiệu lực lớn nhất, tạo bất ngờ và triệt để lợi dụng và khoét sâu sai lầm của địch, buộc chúng phải bị động, bất ngờ đối phó. Ta chớp thời cơ thuận lợi, kiên quyết và thần tốc tấn công, chỉ huy chủ động, táo bạo, linh hoạt để liên tiếp tiêu diệt, phá tan hệ thống phòng ngự và các tập đoàn quân địch, làm tan rã nhiều lực lượng, tiến tới đập tan chế độ ngụy quyền được sự bảo trợ của Mỹ.

30(40)

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trên lễ đài tại Lễ mít tinh mừng Việt Nam đại thắng, ngày 15/5/1975 (Nguồn: baotanglichsu.vn)

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nghệ thuật quân sự Việt Nam đã phát triển lên tầm cao mới trong thời đại mới, nên đã tạo được sức mạnh áp đảo quân địch, luôn đánh địch ở thế mạnh và đánh tiêu diệt gọn, khiến địch phải bất ngờ và liên tục thất bại, tan rã. Đồng thời, làm cho nhân tố chính trị, tinh thần của bộ đội và nhân dân càng được tăng lên; cán bộ, chiến sĩ ta càng xốc tới mãnh liệt hơn, chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt nam được tỏa sáng trong thời đại Hồ Chí Minh để đưa đất nước đến ngày toàn thắng.

Đại thắng mùa Xuân 1975 chính là “cột mốc vàng” của lịch sử dân tộc, khẳng định đường lối lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta trong “cuộc đụng đầu lịch sử” chống đế quốc Mỹ xâm lược. “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi sâu vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”(7)./.

46 năm đã trôi qua, tầm vóc, ý nghĩa và những bài học lịch sử của đại thắng mùa Xuân năm 1975 ngày càng được khẳng định và nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn. Những bài học ấy sẽ còn có giá trị lâu dài đối với với sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới


 
TS. NGUYỄN ĐÌNH TƯƠNG
Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn quân sự
HOÀNG MẠNH ANH
Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng

Nguồn tin: tạp chí của Ban tuyên giáo trung ương:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Lượt truy cập
  • Đang truy cập9
  • Hôm nay948
  • Tổng lượt truy cập2,164,345
LIÊN KẾT WEBSITE
hotline
Tuyên truyền NTM
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây